Mới đây, huyện Mê Linh đã có báo cáo tình hình kinh tế, xã hội (KTXH) 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó nêu rõ nửa năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể Nhân dân, tình hình KTXH của huyện Mê Linh đạt được nhiều kết quả khả quan.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) - đơn vị chủ đầu tư đã tổ chức khởi công xây dựng Tổ hợp dự án nhà ở tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (HUD Me Linh Central), huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội |
Bên cạnh kết quả tốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19, huyện Mê Linh đã có nhiều biện pháp để sớm phục hồi đời sống và sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, kinh tế của huyện Mê Linh đã đạt một số cột mốc đáng khích lệ. Cụ thể, tổng giá trị các ngành kinh tế đạt 13.693 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch, tăng 8,5% so cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước trên địa bàn huyện đạt 6.131 tỷ đồng, tăng 96,15% so cùng kỳ; Trong đó thu nội địa đạt 734,36 tỷ đồng, đạt 87,8% dự toán thành phố giao, tăng 83,5% so cùng kỳ.
Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của huyện Mê Linh là nguồn thu từ tiền sử dụng đất tăng mạnh. Trong nửa năm qua, số thu tiền sử dụng đất tại huyện Mê Linh ước đạt 370 tỷ đồng (trong đó: Thu tiền sử dụng đất các dự án đạt 160 tỷ đồng, thu tiền đấu giá QSD đất đạt 195 tỷ đồng, thu tiền đất khác đạt 15 tỷ đồng). Sự "hồi sinh" của một số dự án ngoài ngân sách đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định cũng góp phần tăng nguồn thu cho huyện Mê Linh.
Nông nghiệp là điểm sáng của huyện Mê Linh (Trong ảnh, lãnh đạo huyện Mê Linh tham quan khu vực sản xuất rau an toàn thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) |
Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh song huyện Mê Linh vẫn chú trọng tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Mê Linh đã thành lập các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai trên trên địa bàn huyện. Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm 3 trường hợp vi phạm lĩnh vực trật tự xây dựng, 106 trường hợp vi phạm lĩnh vực đất đai; còn lại 15 trường hợp đang tiếp tục xử lý theo quy định.
Như đã nói ở trên, huyện Mê Linh đã có nhiều động thái nhằm tái khởi động các dự án "đắp chiếu" nhiều năm và bước đầu đã có những kết quả tích cực.
Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã tập trung quyết liệt, làm việc với từng chủ đầu tư của các dự án chậm triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Mê Linh đã thu được 160 tỷ đồng tiền sử dụng đất của các dự án; Tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng ý nhận tiền bồi thường GPMB và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, tạo mặt bằng để triển khai dự án: Khu nhà ở Minh Giang, Khu nhà ở Minh Đức; UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án AIC…
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Huyện ủy Mê Linh |
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho hay: "Đối với các dự án đô thị chậm triển khai, vấn đề này chủ yếu thẩm quyền thuộc thành phố nhưng chúng tôi đã rất chủ động làm việc với từng doanh nghiệp để kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án; Với những dự án mà chủ đầu tư chây ỳ, cố tình không thực hiện thì kiên quyết đề xuất thu hồi. Mới đây, dự án của công ty HUD đã được khởi công, thời gian tới sẽ có thêm 5 dự án chuẩn bị khởi công, dự kiến tiền thu từ sử dụng đất, huyện được giữ lại để đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng".
Thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục tập trung kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng…; Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai vi phạm pháp luật đất đai, đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì không phối hợp với thành phố, với huyện trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong Nhân dân.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, huyện Mê Linh chú trọng nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị để đáp ứng định hướng xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) đã được nêu tại Nghị Quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, huyện Mê Linh cũng có những chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận và phát huy những lợi thế mà đường Vành đai 4 mang lại. Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đại 4 chạy qua huyện Mê Linh với chiều dài khoảng 11,2km, chia huyện Mê Linh thành 2 phần (1 phần là xây dựng công nghiệp và đô thị, phần còn lại là phát triển nông nghiệp). Đây được cho là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện tập trung xây dựng các dự án hạ tầng khung giai đoạn 2022-2025 |
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cung cấp: "Trước mắt, huyện tập trung xây dựng các dự án hạ tầng khung. Giai đoạn 2022 - 2025, theo kế hoạch đầu tư công của thành phố, huyện được xây dựng 3 tuyến đường với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ; Đồng thời, huyện tiếp tục đề xuất thành phố cho chủ trương xây dựng các tuyến đường kết nối liên huyện, liên vùng để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế".
Vừa qua, làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng đã chỉ đạo “nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh, nghiên cứu định hướng quy hoạch đất phát triển đô thị chiếm tỷ lệ khoảng 70% tổng diện tích đất tự nhiên để phát triển huyện sớm trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô…; Đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng khung để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, trọng tâm là phát triển đồng bộ đô thị hai bên tuyến đường Vành đai 4 và Vành đai 3,5…”.
Nhìn chung, huyện Mê Linh được quy hoạch xây dựng thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao. Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình Nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái; Phát triển đồng bộ công nghiệp đi đôi với dịch vụ phân phối, chung chuyển hàng hóa và các trung tâm phân phối sản phẩm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô; Hình thành vùng sản xuất hoa, phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông sản cao cấp.
Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/5-du-an-chuan-bi-tai-khoi-dong-huyen-me-linh-sap-co-2-nghin-ty-dong-200140.html